Giới thiệu về huyện Nậm Pồ

Nậm Pồ là một huyện miền núi, biên giới, nằm về phía Tây bắc của tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 140 km, có diện tích tự nhiên là 149.559,12 ha, có đường biên giới Quốc gia dài 119,7 km, có 2 cửa khẩu phụ. Huyện được thành lập theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Điện Biên. Địa giới hành chính như sau:


1. Điều kiện tự nhiên
Phía Đông giáp huyện Mường Chà;
Phía Tây giáp huyện Mường Nhé và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;
Phía Nam giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;
Phía Bắc giáp huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
* Địa hình: Nậm Pồ có địa hình địa hình đồi núi cao chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông, độ cao từ 200m đến 1800m. Xen kẽ giữa các dãy núi có các dạng địa hình thung lũng, sông suối, thềm bãi bồi, mô sụt võng,... phân bố rộng khắp trên địa bàn nhưng diện tích nhỏ, hẹp có điều kiện giữ nước và tưới nước trên hầu hết diện tích đất đã được khai thác trồng lúa và hoa màu.
* Khí hậu: Nậm Pồ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa khô (mùa đông) và mùa mưa (mùa hè). Mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, có gió mùa đông lạnh khô, chịu ảnh hưởng của gió Tây khô nóng (gió Lào); ít mưa, chịu nhiều sương muối và rét hại gây bất lợi cho đời sống và sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa từ tháng 5- 10, mưa nhiều với đặc tính diễn biến bất thường, phân hóa đa dạng, ít chịu ảnh hưởng của bão, nhưng chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam chứa một lượng ẩm lớn kèm theo các nhiễu động khí quyển mạnh và thường xuyên đã tạo ra các cơn mưa dông, mưa rào kéo dài 2 đến 3 ngày, thường xuất hiện dông, mưa đá. Độ ẩm tương đối trung bình thường từ 78–93%. Có lượng mưa lớn, bình quân từ 1.800–2.500 mm/năm, mưa tập trung từ tháng 6- 9.
* Thủy văn: Hệ thống thủy văn của huyện thuộc phụ lưu vực Sông Đà, có hệ thống khe, suối chằng chịt độ dốc cao, lưu vực ngắn đổ chủ yếu vào bốn dòng suối chính là: Suối Nậm Pồ, suối Nậm Chà, suối Nậm Chim, Nậm Bai. Đây là nguồn nước mặt cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trong huyện, cũng là tiền năng phát triển thủy điện nhỏ.
* Tài nguyên nước: Nguồn n­ước mặt của huyện chủ yếu đư­ợc cung cấp bởi hệ thống sông Suối Nậm Pồ, suối Nậm Chà, suối Nậm Chim, Nậm Bai, Nậm He và nhiều hệ thống các khe suối nhỏ nằm ở các khe núi, ao, hồ khác. Do nằm trên địa hình phức tạp, chia cắt mạnh và có độ dốc lớn nên việc khai thác và sử dụng nguồn n­ước mặt cũng có nhiều hạn chế. Chất lượng nguồn nước khá tốt, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trong huyện. Hiện chưa có tài liệu cụ thể nghiên cứu về trữ lượng nước ngầm, nhưng qua khảo sát sơ bộ tại một số giếng nước trong khu vực có rừng cho thấy mực nước ngầm nằm ở độ sâu 6-10m, có thể khai thác dùng trong sinh hoạt cho Nhân dân.
Nhìn chung, tài nguyên n­ước của huyện khá dồi dào, khá thuận lợi cho đầu tư khai thác thủy điện; như­ng do địa hình dốc, diện tích đồi núi trọc khá nhiều nên việc khai thác phục vụ sinh hoạt và sản xuất khó khăn.
* Tài nguyên đất
Trải qua quá trình Feralit, bào mòn, rửa trôi, bồi tụ, hình thành mùn, trên địa bàn huyện Nậm Pồ có các loại đất sau:
Đất mùn đỏ vàng trên đất đá biến chất, loại đá mẹ Firit (Hs);
Đất đỏ vàng trên đá biến chất (Fs);
Đất đỏ mùn trên đá sét (Hs);
Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fl);
Đất thung lũng dốc tụ trồng lúa (Dl);
Đất phù sa, sông suối (Py);
Đất mòn, trơ sỏi đá.
* Tài nguyên rừng: Là một huyện có tài nguyên rừng và thảm thực vật khá phong phú, đa dạng chủng loại cây được phân bố đều trên địa bàn 15/15 xã, hiện còn tồn tại một số loài cây quý hiếm nằm trong sách đỏ như: Pơ mu, Sa Mu và nhiều loại quý hiếm có giá trị kinh tế cao cũng như trong nghiên cứu khoa học gồm: giổi, sấu, trám, muồng hoa vàng nhưng hiện nay số lượng không đáng kể. Các cây rừng nhân tạo chủ yếu là: Keo, tre.
Nậm Pồ có tài nguyên rừng rất lớn, chưa tính diện tích đất đồi núi chưa sử dụng có khả năng sử dụng vào mục đích lâm nghiệp và diện tích rừng phát triển sau nương rẫy thì huyện hiện có khoảng 60.000 ha đất có rừng tự nhiên chiếm khoảng 40% tổng diện tích tự nhiên của huyện.
Đất lâm nghiệp chưa có rừng (theo quy hoạch 3 loại rừng) trên địa bàn huyện có khoảng 52.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Si Pa Phìn khoảng 8.000 ha, Phìn Hồ khoảng 5.000 ha, Pa Tần khoảng 5.000 ha, Vàng Đán khoảng 3.400 ha v.v..
* Tài nguyên khoáng sản: Nậm Pồ chưa có nghiên cứu đánh giá về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, theo khảo sát sơ bộ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện chỉ có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: đá kết xây dựng thông thường tuy nhiên trữ lượng nhỏ, phân bố không tập trung.
Hiện có các điểm mỏ đá đã được cấp phép khai thác gồm mỏ đá Pa Tần xã Pa Tần của Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên; mỏ đá Huổi Nhạt 2, xã Chà Nưa của công ty cổ phần đầy tư xây dựng và thương mại Huy Hoàng;
Còn một số điểm mỏ đá chưa khai thác gồm: Huổi Sang xã Nà Hỳ; Nà Cang xã Chà Nưa; Km 51; Km 53 bản Pa Tần xã Pa Tần; Phi Lĩnh xã Si Pa Phìn; Nà Khoa xã Nà Khoa; Nậm Chim xã Si Pa Phìn; Nà Hỳ 1 xã Nà Hỳ v.v...
Trữ lượng cát sỏi trên các suối của huyện trữ lượng ít, không tập trung, chất lượng không cao do lẫn phù sa đất.
* Hệ thống giao thông liên kết vùng gồm:
Đường Quốc lộ gồm 2 tuyến:
- Quốc lộ 4H là tuyến đường từ huyện Mường Chà đi huyện Mường Nhé, đi qua địa phận huyện từ Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Chà Cang đến hết xã Pa Tần.
- Quốc lộ 4H1 là tuyến đường nối Quốc lộ 4H với cửa khẩu phụ Huổi Lả, điểm đầu tại km34 (xã Si Pa Phìn).
Đường tỉnh lộ gồm 3 tuyến:
- Đường tỉnh 145 là tuyến đường nối Quốc lộ 4H đi xã Nà Bủng, điểm đầu tại cầu Nậm Pồ (xã Chà Cang) đi qua địa phận các xã Nậm Tin, Nà Khoa, Nậm Chua, Nà Hỳ, Vàng Đán, Nà Bủng và điểm cuối là mốc 49.
- Đường tỉnh lộ 150 là tuyến đường nối Quốc 4H với thị xã Mường Lay, điểm đầu tại ngã ba Chà Cang đi qua xã Chà Tở đến xã Mường Tùng, huyện Mường Chà.
- Đường tỉnh lộ 145b nối Quốc lộ 4H với xã Nà Hỳ, điểm đầu tại km45 (xã Phìn Hồ) đến điểm nối với đường Tỉnh lộ 145 tại cầu Huổi Bon (xã Nà Hỳ).
Đường liên xã gồm các tuyến Nà Khoa đi Nậm Nhừ; Nà Khoa đi Na Cô Sa và đi qua địa phận xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé để nối với Quốc lộ 4H tại trung tâm xã Quảng Lâm; Chà Tở đi Nậm Khăn; Nà Hỳ đi Nậm Chua.
* Dân cư: Dân số 50.752 người, huyện có 8 thành phần dân tộc trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất 69,18%; tiếp đến là dân tộc Thái chiếm 18,50%; dân tộc Dao chiếm 4,15%; dân tộc Kinh chiếm 3,21%; dân tộc Khơ Mú chiếm 1,58%; dân tộc Hoa chiếm 1,52%; dân tộc Kháng chiếm 0,91%; dân tộc Cống chiếm 0,75% và các dân tộc khác chiếm 0,2%. Tổng số hộ 9.655 hộ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 còn 67,97%
* Trung tâm hành chính của huyện nằm ở khu Quy hoạch trung tâm huyện rộng gần 400 ha thuộc địa bàn 3 xã: Nà Khoa, Nậm Chua, Nà Hỳ.
 2. Lịch sử, truyền thống văn hóa
Huyện có 8 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất 69,18%; tiếp đến là dân tộc Thái chiếm 18,50%; dân tộc Dao chiếm 4,15%; dân tộc Kinh chiếm 3,21%; dân tộc Khơ Mú chiếm 1,58%; dân tộc Hoa chiếm 1,52%; dân tộc Kháng chiếm 0,91%; dân tộc Cống chiếm 0,75% và các dân tộc khác chiếm 0,2%. Các dân tộc ở huyện Nậm Pồ có những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào khu vực Tây Bắc, có nền văn hóa rất đa dạng với nhiều ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau... Đây là một lợi thế lớn để khai thác phục vụ phát triển du lịch, song cũng đặt ra nhiệm vụ hết sức quan trọng trong vấn đề giữ gìn khối đại đoàn kết các dân tộc và ổn định chính trị xã hội.
Đồng bào H’Mông huyện Nậm Pồ thuộc đủ 5 ngành: Mông Đen, Mông Đỏ, Hoa, Trắng, Xanh. Bà con sinh sống rải rác trên địa bàn toàn huyện; tập quán canh tác chủ yếu là làm nương, ruộng bậc thang theo mùa vụ và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau những mùa vụ vất vả, mệt nhọc bà con thường tổ chức các lễ hội như lễ Nào Pê Chầu, lên nhà mới, mừng cơm mới,... thông qua đó cảm ơn đến tổ tiên, thần linh, trời đất và gửi gắm ước muốn có một cuộc sống sung túc ấm no. Trong những dịp nông nhàn hoặc lễ hội của làng bản bà con thường chơi các trò chơi dân gian như: Tù lu, đẩy gậy, ném pao, đánh cù, kéo co.... và múa những điệu múa truyền thống như: Múa Khèn, múa ô,…, sử dụng các loại nhạc cụ dân gian như Khèn Mông (Cha kênh), Sáo Mông (Lút txaj), Trống (Lu chua), Đàn môi (Cha Pông).
Đồng bào Thái huyện Nậm Pồ có cả ngành Thái Đen và Thái trắng; Bà con rất thích ca hát, nhiều điệu múa như múa xoè, múa sạp, múa quạt rất độc đáo. Vào dịp lễ hội, ném còn là trò chơi mang nét đặc trưng văn hoá của người Thái. Một trong những điểm nổi bật của người Thái là văn hóa ẩm thực. Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là tiêu rừng hay còn gọi là “mắc khén”, ớt, tỏi, gừng, muối... Do đặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách, nhà xa chợ, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm, rót rượu mời khách nhâm nhi. Và ở bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao.
Đồng bào Dao huyện Nậm Pồ sinh sống tập trung ở các bản: Huổi Sâu thuộc xã Pa Tần; Huổi Cơ Dạo, Sín Chải 1, Sín Chải 2 thuộc xã Nà Hỳ và bản Vàng Đán thuộc xã Vàng Đán. Cũng như phần lớn các dân tộc thiểu số khác, bà con sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước. Một số lý, lễ của người Dao huyện Nậm Pồ là Cúng cơm mới (Nhẳn xiềng hảng), Cúng cho phụ nữ mang thai (Trò vồn pun miền xiế mày ngá), Cúng đặt tên (Phim miền khú), Cúng trong lễ cấp sắc. Đa số lễ cúng được thực hiện trong phạm vi gia đình nên người hiểu biết và nắm giữ tư liệu đều có thể thực hiện. Chỉ có một số lễ cúng như: cúng ốm đau, cúng bản, cúng mường, cúng đưa hồn người chết, cúng đuổi ma, cúng xiên bản, cúng cầu mùa, cúng cầu mưa, được thực hiện bởi một số ít người am hiểu như thầy mo, thầy cúng, trưởng bản.
Đồng bào Khơ Mú huyện Nậm Pồ sinh sống tập trung chủ yếu ở 3 bản: Nậm Ngà 1, Nậm Ngà 2 thuộc xã Nậm Chua và bản Huổi Noỏng thuộc xã Nậm Khăn. Trước đây bà con sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy, công cụ sản xuất chỉ có rìu, dao rựa, cuốc và gậy chọc lỗ tra hạt. Sản phẩm trồng chỉ có lúa nương, ngô, khoai, sắn, bầu bí. Ngày nay bà con đã tiếp thu canh tác ruộng lúa nước, làm đất bằng cày bừa, biết làm thủy lợi, bón phân cho cây trồng, chăn nuôi trâu bò để làm sức kéo, nuôi gia cầm chủ yếu dùng trong lễ nghi, tiếp khách và ngày nay đã trở thành hàng hóa để mua bán, trao đổi.
Đồng bào Hoa (Xạ Phang) sinh sống tập trung chủ yếu ở 4 bản: Đề Tinh 2, Mo Công, Đề Pua, Mạy Hốc thuộc xã Phìn Hồ. Bà con chủ yếu là làm nương rẫy, mỗi năm chỉ canh tác một vụ. Lúa thường được ưu tiên trồng ở những mảnh đất mới phát, thường ở cách xa nhà. Còn những mảnh đất gần nhà, canh tác lâu năm, bạc màu thì bà con thường để trồng ngô, sắn và đậu tương.Theo phong tục tập quán truyền thống của người Xạ Phang, lễ cưới hỏi thường được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Đây là khoảng thời gian nông nhàn nên thích hợp để tổ chức làm lễ. Thông thường, lễ cưới hỏi truyền thống của người Xạ Phang được diễn ra trong hai ngày và  lễ đón dâu được xem là đỉnh điểm của toàn bộ lễ cưới. 
Đồng bào Kháng huyện Nậm Pồ sống tập trung tại 2 bản: Nà Khoa 1 và Nà Khoa 2 thuộc xã Nà Khoa. Theo phong tục của người Kháng người chết được chôn cất chu đáo, trên mộ có nhà mổ, có các đồ vật dành cho người chết: hòm đựng quần áo, giỏ cơm, ống hút rượu, bát, đũa... Người Kháng có quan niệm mỗi người có 5 hồn, hồn chính trên đầu và 4 hồn kia ở tứ chi. Khi chết mỗi người biến thành "ma ngắt" ngụ ở 5 nơi. Hồn chủ thành ma ở nhà, chỗ thờ tổ tiên là "ma ngắt nhá", hồn tay phải trên thiên đàng là "ma ngắt kỷ", hồn tay trái ở gốc cây làm quan tài là "ma ngắt hóm", hồn chân phải ở nhà mồ là "ma ngặt mơn", hồn chân trái lên trời thành ma trời là "ma ngặt xừ ù".
Đồng bào Cống huyện Nậm Pồ sinh sống tại bản Lả Chà xã Pa Tần, là dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng- Miến. Bà con trước đây sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, canh tác theo lối phát rừng, đốt, chọc lỗ tra hạt giống. Ngày nay bà con đã làm nương bằng cuốc và sử dụng trâu, bò làm sức kéo. Nhiều thức ăn của người Cống là tìm kiếm ở trong rừng, kiếm cá dưới suối. Cũng như bao dân tộc khác, dân tộc Cống cũng có những lễ hội riêng như: Cơm mới, lên nhà mới,… và đặc sắc nhất là lễ hội Tết Hoa.

QUẢN LÝ THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập551
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm533
  • Hôm nay137
  • Tháng hiện tại2,867
  • Tổng lượt truy cập320,957
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi